Tranh cãi chuyện người Việt nên mua nhà trước hay mua ô tô trước?

08/08/2017

Những tranh cãi xoay quanh vấn đề người Việt nên mua nhà trước hay mua xe trước vẫn đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Trong đó một độc giả đã đưa ra quan điểm hết sức sắc sảo về sự lựa chọn mua nhà trước của mình.

Gần đây chúng ta thấy có nhiều bài phân tích ủng hộ việc nên mua xe hơi trước mua nhà. Nhưng hầu hết họ đang sử dụng tư duy tài chính, môi trường tài chính, chính sách tài chính, bảo hiểm, hỗ trợ, an sinh xã hội của nước ngoài, của tư bản để áp đặt về Việt Nam... Nhiều người không chịu phân biệt kỹ rằng mình đang sống ở Việt Nam chứ không phải nước ngoài. Bởi thế nên mới dễ bị tâm lý sĩ diện nên mua xe, cả đời ao ước được sử dụng cái xe, muốn sở hữu điều mà ai cũng muốn chi phối và quyết định vội vàng cho cả một gia tài.
 

 

 

Các cụ vẫn có câu: "An cư lạc nghiệp"

Khi mà ở một số quốc gia, nhà không thuộc về quyền sở hữu của người dân mà chỉ là thuê thôi thì ở Việt Nam người dân mua nhà một lần thì gần như sẽ chẳng bao giờ phải lo về lâu về dài, dù kinh doanh thất bại cũng còn chỗ để trở về, để ăn ngủ, sinh hoạt. Nếu dồn tiền vào mua xe trước thì lỡ như kinh doanh hay sự nghiệp có thăng trầm thì cái xe đó còn có tác dụng gì nữa. Bán thì lỗ, giữ lại cũng lỗ. Vậy thì mua xe để làm gì khi mà về mặt lợi ích nó không hơn quá nhiều so với cái nhà lúc thịnh vượng (trừ dùng xe kinh doanh), rồi đến lúc kinh tế suy yếu nó cũng lại làm huỷ hoại thêm.

Nhiều người lựa chọn mua nhà thay vì ô tô

Một góc nhìn khác, mua nhà trong thời điểm BĐS đang phát triển thì có thể chỉ sau một hai năm giá căn nhà có thể tăng lên gấp đôi, còn xe thì một khi đã đưa ra khỏi showroom là coi như đã mất một phần giá trị. Chưa nói đến lúc kinh tế suy giảm, bán nhà dẫu có mất giá cũng không như bán xe. Nói tóm lại, chúng ta đang sống ở Việt Nam chứ không phải là nước ngoài, nên không thể áp dụng tư tưởng của nước ngoài được.

Người dân tư bản có tư duy mua xe trước mua nhà bởi vì:

1. Ở một số quốc gia nhà không bao giờ thuộc về sở hữu của người dân. Cả đời vẫn là đi thuê của chính phủ. Nên không có khái niệm mua nhà, sở hữu nhà mà bản chất muôn đời vẫn là thuê nhà.

2. Tiền thuê nhà so với thu nhập tính bằng chục ngàn đô so với chi tiêu ngàn đô của họ là quá nhỏ. Thế mới có câu chuyện một người dân Mỹ có thể nói: "Tôi làm ra 10.000$ nhưng chỉ tiêu hết 1.000$ mỗi tháng". Còn Việt Nam thì: "Tôi làm được 250$ nhưng cần phải tiêu từ 300$ đến 500$ cho bản thân và gia đình mỗi tháng".

3. Cho vay tài chính và hệ thống bảo hiểm của nước ngoài cực kỳ linh động. Ai vay người đó chịu và trừ dần trong suốt cuộc đời. Ngoài ra còn nhiều chính sách khác mà ở Việt Nam chưa đáp ứng được. Còn ở Việt Nam thì các ngân hàng vẫn còn khá khắt khe trong việc cho vay để nhằm hạn chế rủi ro.

4. An sinh xã hội của nước ngoài rất tốt đặc biệt là Đức, Mỹ và một số quốc gia tư bản khác. Vì thế hệ trước họ đã đóng thuế nhiều cho nhà nước rồi nên họ gần như không phải lo khi con cái còn nhỏ, đi học, cha mẹ khi về già, thậm chí là bản thân khi lỡ thất nghiệp. Trong khi đó Việt Nam thì nặng nề nhất là chi phí, trách nhiệm nuôi con cái và dành cho gia đình thay vì dành hết cho bản thân.

5. Thuế ô tô của họ vô cùng thấp, thậm chí là tự sản xuất được trong nước thay vì chịu thuế nhập nên giá xe vô cùng thấp. Trong mắt họ giá một chiếc xe hơi chỉ tương đương với xe máy trong mắt người Việt Nam. Thế nên xét về tư duy tài chính phải lên tới 90% người dân Việt Nam sở hữu được xe máy là cũng giỏi rồi. Còn mua ô tô với người Việt Nam là cả một gia tài gần tương đương với ngôi nhà.

6. Hệ thống đường xá, khí hậu và môi trường đảm bảo nên xe hơi của nước ngoài hao mòn rất chậm dẫn tới việc một chiếc xe bên họ có thể sử dụng được lâu hơn, yên tâm hơn về góc độ tài chính phát sinh trên chiếc xe.

7. Thói quen di chuyển xa hàng trăm km của họ với một chiếc xe, một căn nhà ngoại ô và vào thành phố kiếm số tiền lớn gấp cả chục lần tiền thuê nhà cũng như đầu tư cho chiếc xe trong một năm nên việc ở ngoại ô và đi ô tô với họ là tất yếu.

8. Chính sách bảo hành và bảo hiểm của xe hơi ở nước ngoài cũng chuyên nghiệp, minh bạch, nhiều hỗ trợ hơn ở Việt Nam nên họ tin tưởng hơn vào chiếc xe mà mình sở hữu, cứ đi thôi mà không phải lo lắng gì.

9. Ở nước ngoài rủi ro tài chính cho chiếc xe giảm rất nhiều so với Việt Nam như giá cả xăng dầu, các loại phí, an toàn xã hội. 10. Đất đai và cơ sở hạ tầng tốt nên việc di chuyển chiếc xe, đỗ xe với họ không vất vả như ở Việt Nam. Nên suy cho cùng với họ xe là phương tiện phải hầu hạ họ, chứ họ không phải làm lụng để nuôi xe như ở Việt Nam.

Người Việt có 3 điều cần phải tư duy tài chính một cách nghiêm túc, thông minh, khoa học trước khi quyết định trong cuộc sống

1. Kinh doanh

2. Mua Nhà

3. Mua Xe

Nếu số tiền đó có khả năng đầu tư kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn hơn chi phí thuê nhà thì nên đầu tư cho kinh doanh. Nếu kinh doanh ổn định và có được phần vốn linh động rồi thì nên mua nhà. Nhưng nếu thấy mua xe ô tô mang lại lợi nhuận lớn hơn tiền mua nhà và cảm thấy BĐS không biến động sau vài năm sau nữa thì nên dùng tiền đó mua xe để làm ăn. Còn nếu kinh tế ổn định, mua xe chưa phải quá quan trọng thì cứ mua nhà. Xong nhà rồi kinh tế bất ổn thì dùng tiền mà đầu tư cho làm ăn. Có nhà rồi mà kinh tế ổn định đủ khả năng nuôi xe, vốn linh động, duy trì sinh hoạt, ăn học của con cái và đáp ứng được tại tạo năng lượng bằng du lịch, giải trí "đủ nhỏ" tất cả ở mức ổn định thì mới nên tính chuyện mua xe.

Nói chung ở Việt Nam, mua xe là thứ nên nghĩ tới cuối cùng và phải cân nhắc thật kỹ. Nên thay vì vay 50% mua xe hơi, ta vay 50% còn lại mua nhà sẽ tốt hơn, không bị khấu hao, không phải nuôi nó (tiêu sản) và có nơi để sinh hoạt, đảm bảo sức khoẻ, tinh thần, vật chất, hạnh phúc, ổn định lại cuộc sống, hạn chế khủng hoảng sau mọi tình huống xảy đối với cuộc đời. Còn một điều, an sinh xã hội nước ngoài thường không phải quá lo lắng về con cái vì đã có nhà nước lo phần nào.

Còn ở Việt Nam, khi mà chính sách anh sinh xã hội còn chưa đảm bảo, nhiều gia đình còn phải cật lực để nuôi dưỡng con cái ăn học đến lúc con đủ khả năng đi làm kiếm ra đồng tiền.

Chung quy lại:

- Xe hay cái nhà làm cho người ta sướng hơn?

- Xe hay nhà làm cho người ta ổn định hơn?

- Xe hay nhà có ích hơn khi chúng ta gặp rủi ro?

Đó là câu hỏi và cũng chính là yếu tố để quyết định mua xe hay mua nhà. Dù thế nào đi nữa thì việc bạn mua nhà hay mua xe trước đều có lý do và miễn sao vẫn đảm bảo được một cuộc sống tốt đẹp. Còn đối với đối tượng khách hàng chưa đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà và xe hãy tìm hiểu, đăng ký vay mua nhà hoặc vay mua xe từ các ngân hàng hoặc đơn vị hỗ trợ tài chính uy tín.