Cách kiểm tra nhà đất có ‘dính’ quy hoạch tránh ôm hận tiền tỷ mất oan

04/10/2021

cach kiem tra nha dat

Việc tra cứu thông tin quy hoạch là việc cần thiết và vô cùng quan trong. Vừa giúp người dân chủ động trong việc mua – bán bất động sản, vừa đưa ra được quyết định hợp lý, tránh thiệt hại tài sản do mua “nhầm” đất dính quy hoạch.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, quy hoạch sử dụng đất có nhiều loại như: Đất quy hoạch làm đường giao thông; đất quy hoạch làm công viên; đất quy hoạch đô thị, công trình công cộng, cây xanh… Mỗi địa phương sẽ có quy hoạch đất dựa trên quỹ đất và tình hình thực tế địa phương đó. Quy hoạch cũng có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ để đảm bảo sự phù hợp. Tra cứu thông tin quy hoạch đất là quá trình tiến hành kiểm tra thửa đất mình đang có ý định mua – bán có nằm trong diện quy hoạch của nhà nước hay không. Việc nắm bắt thông tin quy hoạch giúp người dân chủ động trong việc mua bán BĐS, đưa ra quyết định hợp lý. Người dân có thể áp dụng những cách sau đây để kiểm tra mảnh đất mình muốn mua có nằm trong diện quy hoạch hay không.

Dựa vào thông tin trên sổ đỏ

Với những mảnh đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thông tin quy hoạch thường được ghi trực tiếp tại phần ghi chú trong sổ đỏ, nêu rõ đất thuộc diện quy hoạch gì. Đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì vẫn được quyền mua bán, tặng cho, thừa kế, thế chấp… Trường hợp đất đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sở hữu, sử dụng đất trong khu vực phải tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch đưa ra, được thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khi nắm bắt được thông tin quy hoạch trên, người mua sẽ đưa ra được quyết định có nên mua mảnh đất đó hay không. cach kiem tra nha dat

Đến UBND xã, phường, thị trấn

Người dân có thể đến UBND cấp xã, phường, thị trấn để gặp gỡ cán bộ phụ trách địa chính khu vực, xin thông tin quy hoạch đất tại địa bàn. Cách thức này phù hợp với việc giao dịch đất giữa những người trong cùng khu vực.

Đến văn phòng đăng ký đất đai

Người dân có thể đến trực tiếp Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi có thửa đất để nộp hồ sơ xin trích lục thông tin. Cách tra cứu này có độ tin cậy cao, tra cứu được hàm lượng thông tin nhiều. Tuy nhiên, cách này mất thời gian hơn các cách kể trên.

Tra cứu trực tuyến

Hiện nay, hầu hết UBND các quận, huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử, trên đó đăng tải các thông tin về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Nhiều tỉnh còn có phần mềm xem quy hoạch. Để tìm kiếm thông tin thửa đất, người dân sẽ phải nhập các thông số như: số tờ, số thửa hoặc tìm theo tọa độ (các thông tin này đều có ghi trong sổ đỏ) để ứng dụng hoặc website trả kết quả về. Ví dụ, muốn tra cứu thông tin quy hoạch Hà Nội, người dân có thể truy cập vào "Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Trên trang này, quy hoạch sử dụng đất được cập nhật chi tiết theo từng quận, kèm theo bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch. Còn muốn tra cứu thông tin quy hoạch TP.HCM, có thể sử dụng app hoặc website “Thông tin quy hoạch TP.HCM” làm công cụ tra cứu.