Đã có rất nhiều trường hợp mua bán bất động sản chỉ qua giấy tờ viết tay, khi có tranh chấp xảy ra, tòa án sẽ tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng này. Điều này khiến cho người mua nhà có nguy cơ mất trắng cả nhà và tiền bạc, công sức bỏ ra. Nhưng với hợp đồng có công chứng theo quy định thì căn nhà sẽ hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của người mua mà không lo tranh chấp, được pháp luật bảo vệ.
Các hợp đồng liên quan đến việc mua bán bất động sản bắt buộc phải công chứng Theo như bộ luật dân sự đến các luật chuyên ngành như Luật Đất Đai, Luật Nhà Ở đều có quy định một số hợp đồng giao dịch bất động sản như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,... bắt buộc phải công chứng. Cụ thể:
1. Hợp đồng mua bán nhà ở: Phải có văn bản công chứng hoặc chứng thực. Trừ trường hợp mua bán mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư (Theo Điều 122 Luật Nhà ở 2014, Điều 430 Bộ Luật Dân sự 2015).
2. Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: Phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp nếu một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản (Theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013).
3. Hợp đồng thế chấp nhà ở: Bắt buộc phải công chứng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp của loại giao dịch này (Theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).
4. Hợp đồng cho tặng nhà ở hoặc bất động sản khác: Phải chuyển quyền sở hữu tài sản là bất động sản đó cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận, phải lập thành văn bản và phải công chứng, chứng thực. Trừ trường hợp: tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương (Theo Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1 Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015).
5. Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở: Trừ trường hợp góp vốn bằng nhà ở bởi một bên là tổ chức (Theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).
6. Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất(Theo khoản 3 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và điểm c khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013).
7. Hợp đồng đổi nhà ở: Là giao dịch về chuyển quyền sở hữu để được Nhà nước công nhận và sang tên sở hữu nên cần thiết có sự xác minh, kiểm soát về tính pháp lý nên bắt buộc phải công chứng (Theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014).
Vì sao chúng ta cần công chứng các hợp đồng trong giao dịch bất động sản? Theo Luật công chứng 2014, hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
Thứ nhất, việc công chứng các giao dịch bất động sản đảm bảo lợi ích cho khách hàng không chỉ về mặt pháp lý mà còn về kinh tế, thương mại mà còn hạn chế được các rủi ro có thể dẫn tới phá sản.
Thứ hai, kiểm soát các hoạt động giao dịch, hạn chế thất thu về thuế cho nhà nước, giải quyết các tranh chấp dễ dàng, giảm gánh nặng cho tòa án và giúp thị trường bất động sản ổn định hơn.
Kết luận, người dân nên thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, công chứng các giấy tờ, giao dịch bất động sản để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình, tránh các thủ tục phiền hà, rắc rối.