Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
01/02/2023
Kể từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng. Trước đó, sổ hộ khẩu là một trong giấy tờ quan trọng trong quá trình chuyển nhượng "sổ đỏ". Vậy khi bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần chuẩn bị giấy tờ như thế nào cho ngày chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất?
Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm quan trọng, trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là khi bỏ sổ hộ khẩu thì các giao dịch liên quan, nhất là trong giao dịch nhà đất sẽ được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình chuyển nhượng, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người mua và người bán trước đó buộc phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ như: sổ hộ khấu, giấy đăng ký kết hôn (nếu đã lập gia đình) hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.
Việc thiếu sổ hộ khẩu sẽ không thể thực hiện được chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/nhà đất.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng, theo quy định tại Điều 38 của Luật Cứ trú năm 2020 (có hiệu lực từ 1-7-2021). Như vậy, người mua, bán sẽ không cần phải mang sổ hộ khẩu xuất trình tại văn phòng công chứng đất đai.
Theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội… người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng 1 trong 4 phương thức.
Phương thức thứ nhất , tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Phương thức thứ 2 , tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VnelD.
Phương thức thứ 3 , sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Phương thức thứ 4 là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Chị Nguyễn Minh (chuyên viên Văn phòng công chứng đất đai tại quận Hà Đông) cho biết: Trước 1/1/2023, người mua, bán đất/nhà đất buộc phải xuất trình hộ khẩu gốc. Từ sau 1/1/2023, người mua, bán đất/ nhà đất chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chip. Trường hợp đã kết hôn, cả vợ và chồng đều phải xuất trình căn cước công dân gắn chíp. Nếu một trong 2 vợ chồng chưa có căn cước công dân gắn chíp, sẽ phải xin giấy xác nhận cư trú tại nơi đang tạm trú hoặc thường trú cho từng cá nhân. Người mua, bán đất/nhà đất ra xin giấy xác nhận cư trú từ công an xã/phường. Thông thuờng, thủ tục này sẽ mất từ 1-2 ngày. Nếu thiếu một trong những giấy tờ đã quy định, việc chuyển nhượng "sổ đỏ" tại văn phòng công chứng không thể thực hiện.