“Kẻ ăn không hết”…
Một nghịch lý đang diễn ra trong việc xây dựng tái định cư ở Hà Nội hiện nay là dù Thành phố vẫn đang khẩn trương xây dựng các dự án mới, nhưng các tòa nhà dành cho mục đích tái định cư đã xây dựng xong trước đây lại bỏ trống hoặc người đến ở ít. Đơn cử như khối tòa nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng) khang trang vẫn bị bỏ hoang gần 10 năm nay. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khối nhà này tọa lạc tại “khu đất vàng” thuộc phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng được xây dựng từ những năm 1995, 1996 với khoảng 154 căn hộ. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà. Nhiều căn hộ đã được bàn giao mà người dân không về ở. Trong khi đó, số người dân ở tạm, chờ “đổ hàng” kiếm lời chiếm phần đông. Trước thực trạng này, UBND quận Hai Bà Trưng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND Thành phố xem xét, xử lý, nhưng vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Một dự án với 154 căn hộ, nhưng sau gần 10 năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân vẫn chưa thể vào ở trong căn hộ tái định cư của mình. Tình trạng này gây lãng phí rất lớn ngân sách của Thành phố, đồng thời nếu không đưa vào sử dụng, duy tu bảo dưỡng thì chỉ trong vài năm tới, tòa chung cư này sẽ xuống cấp trầm trọng.
Cũng trên tuyến đường này, Khu tái định cư 8C - Tạ Quang Bửu cũng thuộc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà, đến nay vẫn còn hơn 20 căn chưa bố trí người dân vào ở. Kế đến là chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện, song số người dân về ở còn lác đác. Hàng trăm suất ngoại giao căn hộ vẫn được bán với giá trên 30 triệu đồng/m2. Hay khu tái định cư N01 - N02 Tây Nam Đại học Thương mại của Ban quản lý Sở Xây dựng Hà Nội nằm ngay trên mặt đường Lê Đức Thọ - Cầu Giấy với quy mô bề thế, nhưng số người về “ở thật” không nhiều, chủ yếu vẫn đang được nhiều sàn và hộ gia đình đứng ra rao bán công khai?
“Người lần chẳng ra”
Từ nay đến 2020, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ dân. Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà tái định cư ở Hà Nội rất lớn. Bên cạnh đó, theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1.273 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Phần nhiều trong số các chung cư cũ đều hết hạn sử dụng cần xây khu tái định cư mới. Đơn cử như, quận Ba Đình có 214 nhà, Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà... Bản thân các tòa nhà này đã cũ nát, xuống cấp, cần di dời. Nhưng do nhiều lý do, như cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tính diện tích, cơ chế… nên những hộ dân này vẫn “kiên trì bám trụ” chỗ ở xập xệ dù lúc nào cũng trong tình trạng thấp thỏm vì nhà sập bất cứ lúc nào. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Hoa ở Khu tập thể 8/3 (Hai Bà Trưng) cho biết: “Chung cư ở khu này đã xuống cấp trầm trọng, trước đây cũng có một vài công ty đến đo đạc, lấy phiếu điều tra nhưng rồi không thấy hồi âm. Người dân lo lắng, cũng muốn có nơi ở mới để an tâm hơn mà chẳng biết phải kêu ai”. Bà Đỗ Kim Vinh (ở căn hộ 104), thành viên Ban đại diện chung cư G6A Thành Công cũng cho biết: “Chủ trương quy hoạch cải tạo tòa nhà được tất cả các hộ dân đồng thuận. Tuy nhiên, chúng tôi cần là sự minh bạch về chính sách tạm cư, tái định cư”. Rõ ràng, nhu cầu tái định cư của người dân là rất lớn, nhưng không hiểu vì lý do gì dẫn đến tình trạng chỗ thừa cứ thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu như hiện nay. Liệu có hay không biểu hiện của lợi ích nhóm, của việc thờ ơ, lỏng lẻo trong quản lý và vận hành nhà tái định cư như vấn đề được Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu đề cập trong lần tiếp xúc cử tri gần đây?