Góc nhìn: Cổ phiếu ngân hàng bên lề “bữa tiệc chứng khoán”

06/03/2019

Phiên giao dịch 5/3, lần đầu tiên sau khoảng 5 tháng chỉ số VN-Index mới thoáng tái lập mốc 1.000 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng góp động lực cho thoáng chốc chạm mốc tâm lý này.

Theo cách nói dân dã của nhà đầu tư, cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) "lĩnh ấn tiên phong", bứt phá mạnh mẽ cùng khối lượng bùng nổ trong phiên giao dịch này.

Khoảng một năm trở lại đây, BID là cổ phiếu ngân hàng duy nhất thường tạo được các quãng đột biến, tạo được hiệu ứng lan tỏa cho nhóm ngành tại nhiều thời điểm.

Lần này, phiên 5/3, tưởng như đà lan tỏa tạo thế bứt phá chung cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn, dù chỉ trong khuôn khổ của một phiên, nhưng một lần nữa, "cổ phiếu vua" một thời tạo hụt hẫng.

Nhìn lại một quá trình, hụt hẫng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung đã kéo dài cả năm qua, sau vùng đỉnh cao tháng 4/2018. Đó cũng là quãng thời gian nhóm này gần như lặng sóng, cùng mức sụt giảm 20-30% ở nhiều mã so với đỉnh của năm.

Và lần này, trong "bữa tiệc chứng khoán" mở ra ngay sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, chưa đầy một tháng VN-Index từ chớm trên 900 điểm đã tiếp cận mốc 1.000 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chỉ bên lề. Thậm chí, nhiều mã trong nhóm thị giá còn thấp hơn cả mức đạt được trước Tết.

Ngoại trừ trường hợp VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và BID, các mã còn lại hầu hết chật vật giữ giá.

Điển hình như MBB của Ngân hàng Quân đội (MBBank) với hơn chục phiên chặn trên chặn dưới tham chiếu hàng triệu đơn vị, nhưng giá gần như không thay đổi. VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trồi sụt không thoát khỏi vùng 21-21.500 đồng/cổ phiếu cũng trong chừng ấy thời gian. TCB của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) luôn thường trực lệnh bán ồ ạt khối lượng lớn mỗi khi giá chớm được trên 27.500 đồng…

Quá trình tích lũy cũng là một góc nhìn, sau khi nhóm này có nhiều mã cũng đã tăng được 7-10% so với đợt suy giảm trước Tết.

Nhưng trong "bữa tiệc chứng khoán" đang diễn ra sau kỳ nghỉ Tết, khi sức tăng mở rộng và lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, diễn biến trì trệ bên lề của cổ phiếu ngân hàng trở nên đáng chú ý, ngoài đóng góp về thanh khoản.

Cuối năm 2018, trong các dòng chảy nhận định về triển vọng phát triển ngành ngân hàng, có một quan điểm xem xét lợi nhuận các ngân hàng đã ở "vùng đỉnh", tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại…

Có quan ngại cụ thể ở nhà đầu tư cá nhân, ngoại trừ những mã như BID của BIDV, VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank do đặc thù sở hữu, thì hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có lượng cổ phiếu trôi nổi quá lớn.

Quan ngại trên có thể tính toán từ thực tế giao dịch: để có được một phiên lên giá mạnh, mỗi mã như MBB, TCB, VPB… cần phải giải phóng cỡ 5-10 triệu đơn vị, thậm chí quanh 15 triệu đơn vị. Quy mô này đòi hỏi nguồn tiền cỡ 100 - 200 tỷ đồng/phiên cho mỗi mã, thâm dụng vốn rất lớn.

Thế nhưng, khía cạnh trên chỉ tương đối. Bởi lẽ, trong những đoạn nóng sốt trước đây, cổ phiếu ngân hàng tăng tốt gắn với quy mô giao dịch toàn thị trường cỡ 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên. "Bữa tiệc" hiện có, thị trường đã xuất hiện nhiều phiên quy mô cỡ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn ỉu.

Ở một khía cạnh khác, đà tăng của thị trường nói chung từ ra Tết đến nay có động lực lớn từ hoạt động mua ròng của khối đầu tư nước ngoài, trong khi đó nhiều mã ngân hàng hiện đã kín "room" sở hữu hoặc đang tạm khóa.

Quả thực, tại một loạt mã như MBB, TCB, CTG, VPB…, diễn biến giá thiếu đi động lực từ nguồn vốn ngoại mới.

Tại hội nghị ngành chứng khoán vừa qua, một lần nữa đề nghị nới "room" sở hữu nước ngoài tại ngân hàng Việt được đưa ra. Tuy nhiên, gần như năm nào đề xuất này cũng vài lần rộ lên rồi lịm, và chưa rõ đến khi nào mới có thể hiện thực, ngay cả việc nới sở hữu không gắn quyền biểu quyết.

Xoay đi xoay lại, các yếu tố cơ bản liên quan đến cổ phiếu ngân hàng nói chung vẫn vậy, thậm chí cải thiện. Sau kết quả kinh doanh năm 2018, với diễn biến giá chùng xuống và qua điều chỉnh sâu năm qua, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn theo các chỉ số cơ bản như P/E, P/B, EPS…

Thế nhưng, khi "bữa tiệc chứng khoán" đã và đang thể hiện, cổ phiếu ngân hàng nói chung vẫn lì đi và nằm bên lề, thì sự hấp dẫn đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân băn khoăn.

Vì, trong một thị trường giá lên, cổ phiếu không tạo hoặc hạn chế trong tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư, thì nó trở nên kém hấp dẫn, thậm chí chôn vốn.

Có lẽ sức hấp dẫn ở cổ phiếu ngân hàng đang trở nên phù hợp hơn với những nhà đầu tư giá trị, với những kế hoạch và kỳ vọng trung dài hạn?