Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh cùng với việc gia tăng dân số đã gây áp lực rất lớn về nhu cầu ở tại các khu đô thị. Các chung cư cao tầng trở thành giải pháp hiệu quả, góp phần xây dựng cảnh quan văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng chung cư cao tầng vẫn phải được kiểm soát.
Đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư
Phạm vi điều chỉnh:
Các quy chuẩn này bao gồm các yêu cầu bắc buộc áp dụng khi xây dựng nhà chung cư mới, cụm nhà chung cư hoặc phần nhà chung cư trong nhà hỗn hợp.
Đối tượng áp dụng:
Tất cả các tổ chức, cá nhân có tham gia hoặc liên quan đến hoạt động thiết kế, xây dựng và quản lý nhà chung cư.
Tóm tắt nội dung quy chuẩn chính:
a. Yêu cầu chung:
- Đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ công trình xây dựng. Không xây dựng nhà trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng.
- Việc trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành, đảm bảo yêu cầu về an toàn cháy, nổ theo QCVN 06:2010/BXD
- Nhà chung cư phải được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả trong QCVN 09:2017/BXD
b. Yêu cầu về quy hoạch - kiến trúc
- Việc sử dụng đất nhà chung cư phải phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai.
- Nhà chung cư phải thiết kế, xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Quy hoạch phải được lập căn cứ theo QCXDVN 01:2008/BXD và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Căn hộ phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh. Diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ không nhỏ hơn 25m2 và phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 20 % tổng số căn hộ của dự án.
- Nhà chung cư phải bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng đảm bảo diện tích sử dụng bình quân tối thiểu đạt 0,8 m2/căn hộ, trong đó phải có không gian phù hợp để tổ chức hội nghị cư dân.
- Căn hộ có 2 phòng đến 3 phòng: cho phép một phòng không có chiếu sáng tự nhiên.
- Căn hộ có từ 4 phòng trở lên: cho phép hai phòng không có chiếu sáng tự nhiên.
- Phòng ngủ phải được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ không được nhỏ hơn 9 m2
- Chiều cao thông thủy, đối với: Phòng ở không được nhỏ hơn 2,6 m; Phòng bếp và phòng vệ sinh không được nhỏ hơn 2,3 m; Tầng hầm, tầng nửa hầm và tầng kỹ thuật không nhỏ hơn 2,0 m
- Khi sử dụng không gian bên trong của mái dốc làm phòng ngủ hoặc phòng sinh hoạt chung thì chiều cao thông thủy của 1/2 diện tích phòng không được nhỏ hơn 2,1 m
- Đối với căn hộ không có ban công hoặc lô gia, phải bố trí tối thiểu một cửa sổ ở tường mặt ngoài nhà có kích thước lỗ mở thông thủy không nhỏ (600 x 600) mm phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
c. Yêu cầu về kết cấu:
- Đối với công trình cao từ 25 tầng trở lên cần đáp ứng các yêu cầu về chống sụp đổ dây chuyền. Thiết kế chống sụp đổ dây chuyền có thể tính toán theo tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng
- Tuổi thọ công trình: Vật liệu kết cấu của nhà phải đảm bảo độ bền lâu trước tác động của khí hậu, xâm thực của môi trường xung quanh, của các tác nhân sinh học và tác nhân có hại khác, đảm bảo cho kết cấu công trình an toàn chịu lực và có khả năng sử dụng bình thường
d. Yêu cầu về thang máy
- Nhà chung cư từ 6 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, trên 9 tầng phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng
- Cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 250 người sống (tương đương cho 65 căn hộ) trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt). Sức nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 400 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, sức nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 600 kg
- Đối với nhà chung cư có chiều cao lớn hơn 50 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng và phương tiện chữa cháy theo TCVN 6396-72:2010 và TCVN 6396-73:2010
e. Hệ thống cấp và thoát nước:
- Nhà có chiều cao lớn hơn 50 m phải có họng nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy bố trí ở mỗi tầng, điểm xa nhất của tầng phải nằm trong phạm vi 45 m tính từ họng nước chữa cháy (có tính toán đến đường di chuyển). Họng chờ phải được đặt trong khoang đệm ngăn cháy (khoang đệm hoặc chiếu nghỉ của buồng thang bộ không nhiễm khói hoặc khoang đệm của thang máy chữa cháy). Hệ thống họng chờ cấp nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe hoặc máy bơm chữa cháy và được nối với đường ống cấp nước chữa cháy trong nhà. Họng chờ phải thỏa mãn các quy định hiện hành.
- Các họng nước chữa cháy trong nhà phải bố trí tại những nơi dễ tiếp cận sử dụng. Lưu lượng cần thiết của hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà được lấy theo tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng, riêng đối với nhà cao trên 50 m, các tầng ở phải đảm bảo lưu lượng nước chữa cháy cho không ít hơn 4 họng nước chữa cháy, mỗi họng có lưu lượng 2,5 L/s trong khoảng thời gian chữa cháy tính toán. Mỗi điểm của tầng phải đảm bảo có hai họng nước chữa cháy phun tới đồng thời
f. Yêu cầu về hệ thống thông gió và điều hòa không khí:
- Lưu lượng không khí tươi cấp cho mỗi căn hộ trong nhà chung cư không được nhỏ hơn 30 m3/h/người hoặc không nhỏ hơn tổng lượng không khí thải từ phòng bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh của căn hộ
- Lối đi thoát nạn, sảnh giữa nhà phải đảm bảo hệ số trao đổi không khí không nhỏ hơn 4 lần/h theo thể tích của sảnh - Gara để xe phải đảm bảo hệ số trao đổi không khí không nhỏ hơn 6 lần/h đối với chế độ thông gió thông thường hoặc 9 lần/h đối với chế độ thông gió hút khói
- Các hệ thống thông gió thoát khói, hút khói và bảo vệ chống khói cho các lối thoát nạn, giới hạn chịu lửa của các đường ống gió và kênh
- giếng dẫn gió phải phù hợp với các yêu cầu trong QCVN 06:2010/BXD
g. Yêu cầu về hệ thống thu gom rác
- Cửa ống thu rác phải được bố trí tại buồng thu rác đặt ở từng tầng. Buồng thu rác phải là một không gian khép kín, được thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức, không gây lây lan mùi ra các căn hộ. Khoảng cách từ cửa căn hộ đến buồng thu rác gần nhất không được quá 25 m.
- Lối vào buồng thu rác ở mỗi tầng phải đi qua khoang đệm chống cháy. Buồng thu rác và khoang đệm chống cháy phải được bố trí hệ thống báo cháy tự động hoặc chữa cháy tự động.
- Tổ hợp đường ống, cửa của đường ống thu rác, tấm chắn, van, cửa buồng thu rác phải được chế tạo từ vật liệu không cháy, chống ăn mòn. Tổ hợp này phải được cách âm khi bố trí sát phòng ngủ.
- Cửa của đường ống thu rác phải là cửa chống cháy loại 1, kín khít, ngăn được mùi và có cơ cấu chắn khói tự động.
- Phần đỉnh của đường ống thu rác phải có đường ống thoát hơi nhô lên khỏi mái nhà không ít hơn 0,7 m, diện tích mặt cắt không nhỏ hơn 0,05 m2 đồng thời phải có mái che mưa và lưới chắn để ngăn không cho các loài côn trùng, gặm nhấm xâm nhập.
- Buồng chứa rác phải được bố trí ngay dưới đường ống thu rác tại tầng đầu tiên trên mặt đất hoặc tầng nửa hầm, tầng hầm thứ nhất. Buồng chứa rác phải có chiều cao thông thuỷ không dưới 2,5 m và có cửa mở ra ngoài. Buồng chứa rác phải có cửa cách ly với lối vào nhà bằng tường đặc và được ngăn với các bộ phận khác của nhà bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 60), có hệ thống thông gió, thoát khói riêng biệt, có hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động.
- Buồng chứa rác phải có hố thu và đường ống dẫn nước bẩn vào hệ thống thoát nước chung, cũng như có lối vào riêng phục vụ việc chuyên chở rác.
h. Yêu cầu về hệ thống điện, chống sét và hệ thống truyền thông:
- Máy biến áp bố trí trong nhà phải thỏa mãn các yêu cầu sau: Không được bố trí buồng máy ở ngay bên dưới, ngay bên trên hoặc liền kề các phòng tập trung trên 50 người. Buồng máy phải được ngăn cách với các bộ phận khác của nhà bằng tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 120 và bằng sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 90
- Buồng máy biến áp phải bố trí hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động
- Nhà chung cư cao từ 28 m trở lên phải được trang bị máy phát điện dự phòng với công suất tối thiểu đảm bảo hoạt động của mạng điện ưu tiên gồm: điện cho bơm nước sinh hoạt, bơm nước chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống bảo vệ chống khói, thang máy chữa cháy, chiếu sáng công cộng, các thiết bị báo cháy, camera quan sát, thông báo cháy và điều khiển thoát nạn và các phụ tải khác theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
i. Yêu cầu về an toàn cháy
- Tường và vách ngăn giữa các đơn nguyên; tường và vách ngăn giữa hành lang chung (bên ngoài căn hộ) với các phòng khác, trong nhà có bậc chịu lửa I, II và III phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 60, còn trong các nhà có bậc chịu lửa IV phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 15
- Tường và vách ngăn không chịu lực giữa các căn hộ, trong các nhà có bậc chịu lửa I, II, và III phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 40 và cấp nguy hiểm cháy K0, còn trong các nhà có bậc chịu lửa IV phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 15 và cấp nguy hiểm cháy không cao hơn K1
- Lan can các lô gia và ban công trong nhà từ tầng 3 trở lên phải làm từ vật liệu không cháy
- Đối với nhà chung cư có từ 2 đến 3 tầng hầm, các cấu kiện, kết cấu chịu lực ở tầng hầm phải có giới hạn chịu lửa tối thiểu R 150
- Nhà có chiều cao lớn hơn 75 m đến 150 m cần đảm bảo các yêu cầu sau: Phần ở của tòa nhà phải được phân chia theo chiều cao thành các khoang cháy với chiều cao mỗi khoang không lớn hơn 50 m. Các khoang cháy phải được ngăn cách với nhau bằng một sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 180 hoặc bằng một tầng kỹ thuật với kết cấu chịu lực theo phương ngang (sàn và trần) có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư
- Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định về nhà chung cư thuộc phạm vi điều chỉnh mục 1.1 và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành
- Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này trong hoạt động thiết kế, thẩm tra thiết kế, xây dựng, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật hiện hành.