Giám đốc khối Dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, LP Group, luật sư Lương Nguyễn Khánh Văn tư vấn: Với đa số các gia đình, bất động sản nói chung và căn hộ nói riêng là các tài sản có giá trị rất lớn. Do đó, để tránh phát sinh tranh chấp, người mua cần tự trang bị kiến thức cho mình, tham gia giao dịch một cách cẩn trọng để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Chúng tôi xin lưu ý một số điểm cơ bản mà người mua có thể chủ động tìm hiểu trước khi giao dịch, gồm: - Các thông tin về dự án: các loại giấy phép, chấp thuận để triển khai dự án như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất, tài liệu đáp ứng điều kiện để mở bán theo quy định của pháp luật, tài liệu bảo lãnh của ngân hàng… Người mua cũng nên tìm hiểu thêm thông tin dự án ở các cơ quan như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường. - Các thông tin về chủ đầu tư: đăng ký kinh doanh, năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư, thẩm quyền của người đại diện ký hợp đồng, các dự án mà chủ đầu tư đã thực hiện, các tranh chấp đã phát sinh (nếu có), đánh giá của người mua trong các dự án đó… - Các nội dung trong mẫu hợp đồng mua bán, chuyển nhượng căn hộ của chủ đầu tư: diện tích đỗ xe; phần diện tích chung, riêng; các điều khoản về đặt cọc, thanh toán; các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư liên quan đến thời hạn và điều kiện bàn giao, đưa dự án vào sử dụng thực tế; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; các vấn đề về quản lý, bảo hành, bảo trì căn hộ và tòa nhà chung cư; các khoản phí, chi phí có mà người mua có trách nhiệm chi trả trong quá trình sử dụng.
Nếu không am hiểu kỹ các vấn đề trên, người mua nên chủ động tham vấn những người có kinh nghiệm hoặc những người có chuyên môn trước và trong khi tiến hành giao dịch.