Luật cư trú mới nhất và thủ tục khai báo

08/08/2019

Luật Cư trú là văn bản pháp luật quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Thay đổi mới nhất của luật cư trú Việt Nam

Thay đổi mới nhất của luật cư trú Việt Nam

Nội dung luật cư trú sửa đổi

Tính tới thời điểm tháng 08/2019, luật cứ trú mới nhất được ban hành từ năm 2006 với lần sửa đổi gần nhất năm 2013. So với nội dung năm 2006, luật đã có bổ sung một số nội dung mới như sau:

1. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

  • Giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú
  • Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó
  • Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

2. Sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

  • Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên (Quy định trước đây là 1 năm trở lên)
  • Các trường hợp được đăng ký thường trú thêm bao gồm: Ông bà nội ngoại về ở với cháu ruột.

3. Sửa đổi thời hạn làm thủ tục thay đổi đăng ký thường trú

  • Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới thì có trách nhiệm phải làm thủ tục đổi nơi đăng ký thường trú nếu có đủ điều kiện đăng ký thường rú trong thời hạn 12 tháng (trước đây là 24 tháng).

4. Thời hạn của sổ tạm trú

  • Hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú sẽ được cấp sổ tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa tới 24 tháng (Quy định trước đây là không xác định thời hạn). Và công dân sẽ có trách nhiệm đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn trước 30 ngày thời hạn tạm trú.

Thủ tục khai báo tạm vắng

1. Các đối tượng phải khai báo tạm vắng:

  • Các bị cáo được tại ngoại, những người bị án phạt tù những được hưởng án treo hoặc chưa thi hành án; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng (những trường hợp này khi khai báo tạm vắng phải có sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó).
  • Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

2. Đơn vị có thẩm quyền khai báo tạm trú, tạm vắng:

  • Công an xã, phường, thị trấn tại nơi ở của người cư trú có đủ thẩm quyền để làm thủ tục khai báo tạm vắng.

3. Thủ tục khai báo tạm vắng:

  • Bước 1: Người khai báo phải đến cơ quan Công an có thẩm quyền làm thủ tục, khi đến phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng.
  • Bước 2: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của công dân, Công an xã, phường, thị trấn nơi công dân cư trú phải cấp phiếu khai báo tạm vắng cho công dân. Trường hợp đặc biệt thì được phép kéo dài thời gian giải quyết, nhưng tối đa không quá 02 ngày làm việc.

Thủ tục khai báo tạm vắng

Thủ tục khai báo tạm vắng

 

Hồ sơ đăng ký thường trú

Căn cứ Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA, hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu); Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú); Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP… Một số trường hợp cụ thể phải có thêm giấy tờ khác: Trẻ em đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 13 Luật Cư trú 2006, khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh; Giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA…

Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú

Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã. Ngoài những quy định chung kể trên, việc nhập hộ khẩu tại Hà Nội cần lưu ý tại Điều 19 Luật Thủ đô 2012 bổ sung trường hợp cho phép cá nhân đăng ký thường trú nếu đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên, sở hữu nhà ở hoặc thuê nhà ở nội thành được chủ nhà chấp thuận cho đăng ký thường trú. Điều 1 Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND, diện tích nhà thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu đạt 15m2 sàn/đầu người theo quy định tại Nghị quyết 11/2013/NQ-HĐND sẽ được áp dụng đến hết năm 2020.