TTO - Sáng 11-10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã phát lệnh thông xe, khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội sau hơn 2 năm xây dựng.
Việc khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng phía trên đường Phạm Văn Đồng (đường vành đai 3 đi thấp) hiện nay giúp đưa vào khai thác thêm gần 4,6km đường vành đai 3 đi trên cao theo tiêu chuẩn đường cao tốc; tiếp nối với hơn 10km đường trên cao thuộc đường vành đai 3 Hà Nội từ Pháp Vân đến Mai Dịch được đưa vào khai thác từ những năm trước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá việc hoàn thành đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng.
Đoạn đường này góp phần hoàn thiện đường vành đai 3 dài khoảng 65km, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội mà còn từng bước hoàn thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Ông Dương Viết Roãn - giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long - cho biết dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 6-1-2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JICA) 4.525 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 817 tỉ đồng.
Phần đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tốc độ thiết kế 100km/h, đoạn cuối tuyến là 80km/h.
Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình chính của dự án đã hoàn thành đáp ứng đủ các điều kiện để thông xe và đưa vào khai thác, sử dụng.
Trong thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2021.
Đồng thời tiếp tục xây dựng 2 cầu song song với cầu Mai Dịch hiện tại để kết nối đồng bộ phần đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với phần đường trên cao từ Mai Dịch đến Pháp Vân.
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành, đưa vào khai thác giúp kết nối thông suốt theo tiêu chuẩn đường cao tốc 30km đường vành đai 3 từ cầu Phù Đổng (ranh giới giữa Bắc Ninh - Hà Nội) đến cầu Thăng Long.
Đồng thời tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Thăng Long.
Theo quyết định tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong giai đoạn hoàn thiện nhánh lên xuống kết nối đường trên cao và thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khai thác đến phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại.
Các xe được đi trên đường trên cao gồm: ôtô con, xe tải có khối lượng toàn bộ dưới 5 tấn.
Các loại xe không được đi vào đường trên cao trong giai đoạn này gồm: xe khách, xe tải trên 5 tấn, mô tô, gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ.