Giá điện và chính sách tiền tệ

25/03/2019

Có thể khẳng định vấn đề thu hút nhiều nhất sự quan tâm của dư luận xã hội và cũng tiêu tốn nhiều giấy mực của báo giới tuần qua chính là việc giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% (tương đương tăng hơn 144,44 đồng kWh) kể từ 20/3.

Có lẽ nhu cầu tăng giá điện là vô cùng bức thiết nên giá xăng dầu vừa tăng tới gần 1.000 đồng/lít hồi đầu tháng mà đến cuối tháng Bộ Công thương vẫn quyết định tăng giá điện với mức khá cao như vậy. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, việc liên bộ đã quyết định tăng chi sử dụng quỹ bình ổn để giữ nguyên giá bán các mặt hàng xăng dầu hôm 18/3 là để “dọn đường” cho giá điện tăng, cũng như để “tránh tiếng” tăng giá dồn dập các mặt hàng(?!).

Trên thực tế, theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 sẽ giúp EVN thu thêm được 20.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các yếu tố đầu vào. Theo đó, phần trả cho giá than tăng 2 lần gần đây là hơn 5.000 tỷ đồng; phần chênh lệch giữa nhập khẩu than ngoại về trộn với than nội để cung cấp cho sản xuất điện là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 7.000 tỷ đồng.

Cộng thêm đó là hơn 6.000 tỷ đồng giá khí trong bao tiêu được chuyển ra tính theo giá thị trường được EVN trả cho Tổng công ty Khí Việt Nam để đơn vị này nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với khoản tiền 3.825 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của các đơn vị phát điện ngoài EVN đã được hoãn lại do năm 2018 không tăng giá điện, EVN sẽ trình tới Bộ Công thương để quyết định chi trả cụ thể…

“Tổng các khoản mà EVN phải thanh toán là gần 21.000 tỷ đồng, trong khi nguồn thu là hơn 20.000 tỷ đồng và EVN gần như chỉ là trung gian thu xong để trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế. Những chi phí này EVN không thể cáng đáng và phải thanh toán”, ông Tri nói.

Thế nhưng do điện là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên việc giá điện tăng sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của người dân. Chắc chắn các hộ gia đình sẽ phải tiêu tốn thêm một lượng ngân sách không nhỏ cho việc sử dụng điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi một mùa hè nóng bức nữa đang đến gần kéo theo nhu cầu tiêu dùng điện rất lớn. Chi phí cho điện tăng có thể kéo giảm chi tiêu tiêu dùng các mặt hàng khác.

Chính sách tiền tệ (Monetary policy) là gì? Công cụ của chính sách tiền tệ

Không chỉ vậy, điện còn là yếu tố đầu vào của khá nhiều ngành sản xuất nên giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng tương ứng. Lẽ tất yếu, cũng giống như EVN, các DN sẽ lại tìm cách chuyển những chi phí này sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Ngay cả những lĩnh vực tưởng chừng như không mấy liên quan đến việc điện tăng giá, song nếu không quản lý chặt cũng khó tránh việc “tăng theo giá điện”.

Vòng xoáy cứ thế tiếp tục cho đến khi hình thành một mặt bằng giá mới. Một quan chức của Bộ Công thương cũng thừa nhận, giá điện tăng 8,36% sẽ khiến CPI tăng 0,29%. “Giá điện tăng 8,36% thì CPI năm 2019 khoảng 3,3-3,9%, vẫn đảm bảo dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội”, vị này khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận điều đó, bởi diễn biến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là dầu thô vẫn biến động khó lường. Bằng chứng là, nếu liên bộ không tăng chi sử dụng quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có lẽ đã tăng tiếp tới hơn 800 đồng/lít vào ngày 18/3… Hơn thế việc giá điện tăng mạnh đúng vào thời điểm áp lực lạm phát đang tăng cao cũng phần nào làm gia tăng kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế.

Tất cả những điều đó đang đẩy chính sách tiền tệ vào tình thế khá “lưỡng nan” với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Rõ ràng với việc lạm phát đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt lại. Thế nhưng xét ở một góc độ nào đó, việc thắt chặt tiền tệ lại ảnh hưởng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế vốn đang được dự báo sẽ giảm 0,22% vì giá điện tăng.

Chưa kể, nếu xét chi li, việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các NHTM khi mà tích lũy trong dân cư sẽ giảm; trong khi DN khó khăn hơn trong hoạt động cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng trả nợ…

Nói gì đi nữa thì giá điện cũng đã tăng. Vì vậy vấn đề hiện nay là làm sao phải kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “tăng giá theo điện”. Bên cạnh đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm cũng như mức độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, tránh tình trạng tăng giá dồn dập như vừa qua để ổn định kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế. Chỉ có như vậy thì mới có thể giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ trong việc thực hiện đa mục tiêu như hiện nay.

Nguồn: Cafef.vn