Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trước ngày thông xe

31/08/2022

Ngày 1/9 tới, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đưa vào sử dụng không chỉ thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, mà còn góp phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh cả nước, đặc biệt là các hoạt động logistics, vận tải hàng háo qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái... 

 

Cao tốc Vân Đồn - Móng cái (tỉnh Quảng Ninh) có chiều dài toàn tuyến gần 80km, điểm đầu nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái). Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án gần 13.000 tỷ đồng. Ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến thông xe. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, Vân Đồn - Tiên Yên, cầu Bạch Đằng - Đại Yên và Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành toàn tuyến cao tốc dài 176km, chạy dọc tỉnh Quảng Ninh. 

Đây cũng là tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế là Quảng Yên, Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái. Là mảnh ghép cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc từ tỉnh Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian từ Móng Cái đến Hạ Long còn 1 giờ 30 phút (đi theo Quốc lộ 18 mất khoảng 3 giờ), đi từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (hiện tại mất 5,5 giờ). Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được chia làm 2 gói thầu. Trong đó tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Tuyến Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group làm Chủ đầu tư.

Quy mô 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120Km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 (vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam).  Hiện tại, trong hệ thống đường cao tốc của Việt Nam chỉ có 2 dự án được thiết kế tương tự là dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được khai thác với tốc độ 120 km/h với mặt cắt ngang là 25,25m. Còn lại các tuyến cao tốc khác đang thiết kế và xây dựng được phân kỳ đầu tư với bề rộng là 17m và vận tốc thiết kế là 80 km/h.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến) (Trong đó dự án Vân Đồn - Tiên Yên có 7 cầu, tổng chiều dài 3.812,6m; Dự án Tiên Yên Móng Cái 25 cầu, tổng chiều dài 3.625,9m) và sở hữu cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh (1.515m). Cầu Vân Tiên là cầu vượt biển có kiến trúc đẹp, kỹ thuật hiện đại. Giai đoạn vừa qua, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công hoàn thành cây cầu trong vòng khoảng 330 ngày. Đây cũng là một kỷ lục mới của việc thi công các công trình cầu vượt biển của Việt Nam. Toàn tuyến cao tốc có 32 cầu vượt biển, sông suối với tổng chiều dài gần 8km, chiếm 10% tổng chiều dài tuyến. Dọc tuyến cao tốc, có rất nhiều khung cảnh đẹp và thay đổi theo khung giờ.

Công trình là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh, mang nhiều giá trị khác biệt, hình thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong khát vọng phát triển liên vùng. Sau 500 ngày, đêm thi công trong điều kiện vô cùng khó khăn do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã về đích đúng hẹn. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã đảm bảo các điều kiện đưa vào khai thác. Trạm thu phí Tiên Yên cơ bản hoàn thành các hạng mục kỹ thuật. Lái xe chỉ phải trả phí 65km đường cao tốc. Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ thu phí tự động ETC theo quy định của Bộ GTVT.

Nút giao Hải Hà trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái rực sáng đèn trong đêm. Với vị thế là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn); hệ thống cảng biển, logistics, các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái..., tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng tuyến đường sẽ tạo ra các hành lang giao thông gắn với hành lang kinh tế, đô thị, mở ra không gian phát triển mới./.

Theo VOV