Đây là số liệu mà Bộ Tài chính vừa báo cáo Quốc hội. Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã có nhiều giải pháp để tăng thu thuế bất động sản.
Kết quả, số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 26,86 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên toàn quốc năm 2022, tính đến ngày 6/9/2022, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND chiếm 72%, trung bình 1 bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND.
Để có sự chuyển biến trên, ngày 10/6/2022 đã có Công điện số 08 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”, yêu cầu cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không được ngăn chặn việc chuyển nhượng bất động sản của người dân, không được gây ách tắc, tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.
3 ngày sau, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng tổ chức Hội nghị toàn ngành họp trực tuyến về nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bộ này xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 12 và số 65 của Chính phủ và dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 92 ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện và xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Xây dựng về dự thảo đề cương chi tiết Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thu thuế chuyển nhượng bất động sản vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, quy định quản lý thuế này chưa đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ.
Trong khi phía người dân thì chưa hiểu đầy đủ luật, chưa tự giác nộp thuế và nhận thức hậu quả khi khai thuế không đúng thực tế giá chuyển nhượng.
Theo quy định, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ấn định thuế chỉ hiệu quả nếu cơ quan liên quan (công an, thanh tra...) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế.
Song thực tế, một số cơ quan thuế địa phương chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra, sau đó cơ quan điều tra lại chuyển hồ sơ để ngành thuế xử lý hành chính. Lý do là không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế.
Một vấn đề nữa được Bộ Tài chính nêu ra là quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn chậm.
Quy định hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai địa phương sẽ nhận hồ sơ chuyển nhượng, rồi chuyển qua cơ quan thuế. Nhưng việc chuyển hồ sơ này chậm, dẫn tới áp lực thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Mặt khác, quản lý đất đai hiện nay do nhiều cơ quan cùng quản lý, như Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... Văn bản quy phạm pháp luật, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý chưa đồng bộ, liên thông.
Việc thu thập thông tin để hậu kiểm của cơ quan thuế cũng gặp khó khi người nộp thuế mở nhiều tài khoản ngân hàng, các ngân hàng phản hồi thông tin xác minh chậm... ảnh hưởng tới khâu đưa ra giá chuyển nhượng…
Theo: Doanhnhanphaply