Thị trường Bất động sản dần được "gỡ nút thắt", các doanh nghiệp có cơ hội bứt phá vào nửa cuối năm 2024
09/08/2024
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024. Các chuyên gia kỳ vọng các luật mới sẽ tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản (BĐS).
Thị trường hưởng lợi từ các luật mới
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - cho biết, việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, đã và đang tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản (BĐS).
Các bộ luật có hiệu lực thực thi, tâm lý “chờ đợi” được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng. Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào BĐS.
TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, trong khoảng thời gian chờ các bộ luật mới “ngấm”, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường BĐS sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes - cho biết, các luật mới sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản về việc gia hạn, chấp nhận chủ trương đầu tư một số các dự án cũ. Bên cạnh đó, các luật mới sẽ đưa ra các thông báo văn bản hướng dẫn về thuế để một số đơn vị nộp thuế hoặc triển khai bán hàng. Đối với người dân, các luật mới đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội sẽ tạo thêm nguồn cung, góp phần giải “cơn khát” nhà ở giá rẻ cho người dân. Đặc biệt, những người thu thấp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nhà ở bình dân và các gói vay hợp lý hơn.
Dự báo thị trường phục hồi trong cuối năm 2024
Bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, trong những tháng cuối năm 2024, trên cơ sở các bộ luật mới có hiệu lực sớm, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương không ngừng dốc sức thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi, các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ bung hàng với các hoạt động truyền thông rầm rộ hơn.
Nguồn cung nhà ở trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024, được đóng góp chủ yếu từ phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang với chất lượng sản phẩm và mức giá bán phục hồi rõ nét cùng với nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng gia nhập thị trường. Phần lớn các phân khu, dự án mới mở bán đến từ các dự án ở vùng ven thành phố, các tỉnh/thành xung quanh 2 đô thị đặc biệt.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào thời điểm cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp BĐS phát huy hiệu quả tốt hơn.
Phân khúc nhà ở xã hội cũng đứng trước cơ hội “đảo chiều” khi các quy định mới theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội được thực thi hiệu quả; gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được sửa đổi theo hướng ưu đãi hơn.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản nhận định, cùng với đà phục của thị trường, các chủ thể tham gia thị trường sẽ bắt đầu tăng tốc gia nhập, xúc tiến các kế hoạch kinh doanh. Các bộ luật mới sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.
Do đó, với “sân chơi” mới, thị trường sẽ chỉ còn chỗ đứng cho các chủ đầu tư có năng lực, làm ăn bài bản...
Nguồn: Báo Lao Động