Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn giữ vững vị thế là một trong những điểm đến thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất ở phía Bắc. Cả hai tỉnh thành này đều sở hữu tất cả các tiêu chí quan trọng để nâng đà tăng trưởng như: hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn được đồng bộ hóa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền tỉnh liên tục được cải thiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các nhà sản xuất lớn như Samsung hay LG.
Quý đầu tiên của năm 2019, thị trường bất động sản công nghiệp ghi dấu ấn mạnh mẽ với sự phát triển ấn tượng của khu vực Bắc Bộ, tâm điểm là Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên.
Theo JLL, nhu cầu bất động sản công nghiệp khu vực Bắc Bộ thời điểm đầu năm tiếp tục tăng cao nhờ đà tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy trong quý 1/2019 đạt trung bình ở mức 74% ở 5 thành phố/tỉnh năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, dẫn đầu là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Trong quý 1/2019, nguồn cung mới tiếp tục gia nhập thị trường. Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê thuộc 5 thành phố/tỉnh hàng đầu phía Bắc đạt 9.071ha. Trong đó, Hải Phòng và Bắc Ninh đóng vai trò chính là trung tâm công nghiệp ở phía Bắc với đóng góp khoảng 63% tổng nguồn cung. Trên thực tế, các vị trí thuận lợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.
Thị trường cũng ghi nhận giá thuê đất giữ đà tăng trưởng cao. Giá thuê đất trung bình trong quý 1/2019 đạt 92 USD/m2/chu kì thuê, tăng 6,5% so với cùng kì. Giá thuê trung bình của Hà Nội dẫn đầu với 138 USD/m2/chu kì thuê, cao nhất trong số các thành phố/tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân khiến giá thuê ở Hà Nội thiết lập mức cao là do nguồn cung hạn chế và sở hữu thị trường tiêu dùng lớn. Giá thuê cho nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4-5 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3-5 năm. Mức giá thuê này không có nhiều thay đổi so với lần cập nhật trước.
Trong tương lai, khoảng 13.604 ha quỹ đất công nghiệp từ 5 thành phố/tỉnh được kì vọng sẽ gia nhập thị trường phía Bắc, chủ yếu đến từ Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Bất động sản công nghiệp phía Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục là kênh đầu tư đáng chú ý nhờ vào nguồn vốn FDI tăng mạnh, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, đặc biệt nguồn vốn ngày càng tăng từ Trung Quốc. Xu hướng chuyển nhà máy, công xưởng ra khỏi Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho thị trường khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.