Sáng nay (17/2), Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Hội nghị diễn ra trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại trụ sở UBND các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu khai mạc hội nghị. Sau phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày báo cáo chung về tình hình thị trường bất động sản, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản của các địa phương, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng sẽ đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, Becamex IDC Bình Dương, Sungroup tham gia báo cáo tình hình triển khai các dự án bất động sản của đơn vị, các vướng mắc cụ thể của dự án và đưa ra đề xuất tháo gỡ.
Về phía ngân hàng, đại diện ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tham gia báo cáo tình hình cho vay đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản của đơn vị, các khó khăn, vướng mắc và đồng thời đưa ra đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Về nguồn vốn tín dụng: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.
Liên quan đến vấn đề “nóng” hiện nay là trái phiếu, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có đánh giá chung thị trường trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Về nguồn vốn trái phiếu: Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu.
Tham gia hội nghị còn có các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, tài chính trình bày tham luận. Cụ thể, đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam công bố báo cáo thực trạng thị trường bất động sản, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã trình bày ý kiến, quan điểm liên quan đến vấn đề nguồn vốn lĩnh vực bất động sản và giải pháp khơi thông dòng vốn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Tại hội nghị, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có tham luận về tác động của chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp để thị trường phát bất động sản phát triển.
Hội nghị lần này còn sự tham gia ý kiến từ những lãnh đạo địa phương. Theo đó, chủ tịch UBND các thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng và Chủ tịch UBND các tỉnh Khánh Hoà, Bắc Giang, Bình Dương đã báo cáo tình hình triển khai dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, rà soát tổng hợp các dự án có vướng mắc, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, các bộ ngành có báo cáo những vấn đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và cho ý kiến về đề xuất triển khai thực hiện gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ báo cáo về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản, ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán đến thị trường bất động sản và các khó khăn vướng mắc, giải pháp tháo gỡ.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, những khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai, đặc biệt là các vướng mắc trong việc giao đất, tính tiền sử dụng đất ảnh hưởng đến triển khai các dự án bất động sản được trình bày tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư cũng nêu các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho ý kiến về giải pháp hoàn thiện thể chế và nội dung đề xuất Nghị quyết Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Nhà ở xã hội.
Trên cơ sở báo cáo tham luận, ý kiến của các doanh nghiệp, ngân hàng, giới chuyên gia, lãnh đạo thành phố, tỉnh và về phía bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến chỉ đạo hội nghị.