Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu năm nay, các chuyên gia đã dự án báo một số khu vực Hà Nội sẽ trở thành "điểm vàng" về đầu tư bất động sản. Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là sự xuất hiện của những "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS tại đây là cơ sở chắc chắn để các chuyên gia tiên lượng về sự bùng nổ của thị trường địa ốc tại một số khu vực như Tây Hà Nội trong dài hạn.
Với hàng loạt dự án hạ tầng (4 cây cầu và hàng loạt tuyến đường mới) sắp được hoàn tất, phía Tây Hồ Tây sẽ là khu vực thu hút các nhà đầu tư và khách hàng, kỳ vọng trở thành "thỏi nam châm" thu hút đầu tư. Theo chủ trương của TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Tây Hà Nội sẽ đón hàng loạt trụ sở các bộ ban ngành hàng đầu, đại sứ quán và các văn phòng tổ chức phi Chính phủ…trong đó, dự kiến đặt trụ sở một số bộ, ngành ở Tây Hồ Tây.
Các chuyên gia bất động sản cho biết, trong nhiều nguyên nhân dẫn sự sôi động của bất động sản khu vực quận Tây Hồ là đề án quy hoạch phát triển khu vực Tây Hồ Tây thành trung tâm chính trị, hành chính mới, nới rộng khu vực lõi Thủ đô. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng khi nâng cấp, mở rộng hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch. Sắp tới, tuyến đường Phạm Văn Đồng rộng 93m kết nối vành đai 3 dự kiến hoàn thành toàn bộ sẽ góp phần cho việc giảm tải áp lực giao thông khu vực. Thêm vào đó, tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, song song với tuyến đường sắt đô thị số 2, kết nối qua các khu đô thị lớn Tây Hồ Tây – Ngoại Giao Đoàn, thành điểm kết nối giao thông trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Bài toán giao thông trọng điểm được giải quyết cũng đồng nghĩa với việc Tây Hồ Tây trở thành khu vực kết nối với nhiều tuyến giao thông chính, trong đó chỉ mất 10 phút tới sân bay Nội Bài, 20 phút vào trung tâm thành phố và vài phút di chuyển giữa các khu đô thị. Quy hoạch đồng bộ tạo đòn bẩy lớn nâng cao giá trị bất động sản khu vực này trong thời gian tới. Không chỉ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, khu vực Tây Hồ Tây còn được đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình mang tầm cỡ quốc tế như: công viên Kim Quy rộng 100ha, nhà hát Opera hiện đại…dọc trục đường Nhật Tân – Nội Bài. Điều này cũng là điểm nhấn đưa Tây Hồ Tây trở thành nơi giao lưu văn hóa, giải trí trọng điểm. Theo giới chuyên môn, nguồn cung bất động sản tại khu vực được dự báo tiếp tục tăng trưởng về số lượng và đa dạng về loại hình sản phẩm, đặc biệt ở loại hình liền kề, biệt thự.
Dọc hai bên tuyến đường Võ Chí Công từ ngã tư Hoàng Quốc Việt đến chân cầu Nhật Tân giống như một đại công trường với những dự án chung cư xuất hiện dày đặc. Từ đó, nhà đầu tư cho rằng Tây Hồ Tây được coi là một trong những khu vực mà thị trường bất động sản phát triển nóng nhất tại Hà Nội hiện nay.
Hiện tại, khu Tây Hồ Tây được nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư, tạo nên sự sôi động cũng như sức bật cho khu này. Đáng kể đến là các chủ đầu tư nước ngoài như Daewoo D&C và Lotte (Hàn Quốc), CapitalLand (Singapore), Ciputra (Indonesia), cũng nhiều đại gia Việt như Sunshine Group, Vimedimex Group, UDIC...
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tính riêng trong năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ chung cư ở Hà Nội là hơn 39.000 căn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm BĐS cung cấp cho thị trường. Theo dự báo mới đây của Savills Việt Nam, năm 2019, thị trường chung cư ở Hà Nội dự kiến đón nhận nguồn cung khoảng 41.300 căn.