Áp lực lạm phát bắt đầu "nhen nhóm"
Tác động của giá hàng hóa thế giới và đà tăng giá hàng hóa trong nước từ đầu năm 2021 đến nay có phần giống với thời điểm năm 2008 bởi kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh sau khủng hoảng và chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ, khiến chúng ta lo ngại về lạm phát tăng mạnh. Trên thực tế, lạm phát Việt Nam đã tăng mạnh vào thời điểm xuất hiện cú sốc hàng hóa (chỉ số CPI tăng 19,89% năm 2008 và 18,13% năm 2011 bên cạnh nguyên nhân cung tiền tăng mạnh). Thực tế lần này, từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, giá năng lượng (dầu thô và than đá) toàn cầu tăng 30% so với đầu năm, giá hàng hóa khác (phi năng lượng) tăng 16%, trong đó giá lương thực tăng 16%, giá phân bón tăng 24% và giá kim loại, khoáng chất tăng 25%...
Bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: “Việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, "rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn". Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1990. Lạm phát của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên vượt mức 3%, cao nhất kể từ năm 2012. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn
Thị trường bất động sản từ đầu năm nay không có chuyển biến mang tính đột phá, bởi nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện tại tỉ lệ tiêm Vaccine ngày càng cao và dịch bệnh cơ bản cũng đã được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn đang rất cao.
Bên cạnh đó, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn. Những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hóa/bảo toàn giá trị tài sản. Trong bối cảnh nguy cơ xảy ra lạm phát, nhiều nhà đầu tư cân đối và đặt lại mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình. Theo các chuyên gia, rủi ro lạm phát dễ khiến tài sản "bốc hơi" nếu kênh đầu tư không may mất giá. Yếu tố lợi nhuận cần đặt lùi về sau, và hướng đến việc bảo vệ tài sản trước tiên. Lý giải cho sức hút này, các chuyên gia cho rằng, bất động sản cũng là một loại hàng hóa. Do đó trong thời điểm lạm phát, giá trị của tài sản này vẫn có khả năng bảo toàn giá trị, thậm chí tăng giá. Bởi lẽ, sự tác động gián tiếp đến các yếu tố như giá vật liệu, giá cả hàng hóa, giá thuê nhà... khiến giá nhà có xu hướng đi lên trong các đợt lạm phát.