Làng nghề "lên" Cụm công nghiệp: Tập đoàn Hanaka lên tiếng

14/04/2021

Đại diện tập đoàn Hanaka cho rằng, một số vi phạm tại dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Lang-Nghe-Man-Xa

Ngày 8.4, báo Lao Động đăng tải loạt bài: Làng nghề "lên" cụm công nghiệp phản ánh một số bất cập tại dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá  (Yên Phong, Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) làm chủ đầu tư. Phóng viên báo Lao Động có buổi trao đổi với Chủ tịch tập đoàn Hanaka - ông Mẫn Ngọc Anh - liên quan đến các thông tin trong loạt bài trên. Hạ tầng cụm công nghiệp còn thiếu nhà máy xử lý nước thải Mở đầu cuộc trao đổi, ông Mẫn Ngọc Anh kể về quá trình hình thành Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Theo đó, khu vực cụm công nghiệp hiện tại, trước đây là bãi đổ trộm sỉ thải nhôm của các hộ sản xuất trong làng. Đề án thành lập cụm công nghiệp có từ năm 2004 nhưng “không có doanh nghiệp nào dám nhảy vào”. “Không dưới chục lần lãnh đạo tỉnh về đây khảo sát, chỉ cần bước xuống xe là ngộp thở, không thở nổi. Khi triển khai dự án, chúng tôi cho công nhân đưa máy xúc chuyển bãi sỉ nhôm đi, nhiều người phải xin nghỉ việc vì không thể chịu nổi mùi độc hại. Tôi có thể chọn đầu tư ở nhiều tỉnh, thành khác nhưng đã đã trở về quê hương để mong thay đổi cuộc sống của người dân nơi mình sinh ra…” - Chủ tịch tập đoàn Hanaka cho biết. Hiện tại, cụm công nghiệp làng nghề được chia thành 600 lô đất bao gồm: 400 lô dành cho người dân làng nghề thuê làm xưởng tái chế nhôm, 200 lô dành cho thuê các dịch vụ khác. Và, đã giao dịch cho thuê 200 lô đối với các xưởng tái chế nhôm. Trước câu hỏi về việc chưa hoàn thiện hạ tầng theo quy định, dự án đã được đưa vào kinh doanh, ông Mẫn Ngọc Anh cho hay: Hiện dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá tại các khu vực được cho thuê đã cơ bản hoàn thành về hạ tầng gồm đường, điện, hệ thống cấp thoát nước để các hộ sản xuất, kinh doanh. Chỉ còn thiếu 2 hạng mục là bãi đỗ xe, nhà máy xử lý nước thải do không có mặt bằng để thi công. Tập đoàn Hanaka đã nhiều lần tổ chức chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất nhưng có một số hộ dân không chịu nhận tiền. Ngoài ra, trong cụm công nghiệp còn có nhiều ngôi mộ lớn, các hộ gia đình chưa chịu di rời làm ảnh hưởng tới quá trình thi công. “Rất cảm ơn Báo Lao Động vào cuộc phản ánh. Đây là động lực để yêu UBND huyện Yên Phong sớm bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn Hanaka xây dựng. Hơn ai hết, chúng tôi là người muốn hoàn thiện hạ tầng. Việc bàn giao mặt bằng chậm ngày nào là doanh nghiệp chịu thiệt hại ngày đó” - ông Mẫn Ngọc Anh nói. Với câu hỏi "Dự án cụm công nghiệp làng nghề mà không có nhà máy xử lý nước thải, trong khi đó theo ghi nhận, đã có một số hộ xây dựng nhà xưởng, tiến hành sản xuất thì vẫn ảnh hưởng xấu môi trường như khi sản xuất trong làng nghề. Vậy, cần gì xây dựng Cụm công nghiệp?" - Chủ tịch tập đoàn Hanaka nói rằng: “Có khoảng 5 hộ xây dựng xưởng sản xuất trong cụm công nghiệp khi chưa xin phép chủ đầu tư. Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu dừng việc xây dựng và sản xuất tại đây”.

lang-nghe-tai-che-nhom-Man-Xa

Làm sao để giảm giá thuê cụm công nghiệp làng nghề? Liên quan đến phản ánh của người dân về việc: Thời điểm thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka có hứa hẹn sẽ cho thuê lại đất tại cụm công nghiệp với giá ưu đãi 4 triệu đồng/m2. Tuy vậy, sau đó, giá thuê đất đã tăng lên gấp 2, gấp 3 lần. Ông Mẫn Ngọc Anh cho biết, bản thân ông là người có mặt tại cuộc họp. "Chúng tôi không hứa mà chỉ là ước tính, khái toán giá thành khoảng 4 triệu đồng. Khi họp dân, tôi có nói rõ, nếu người dân bàn giao mặt bằng thông thoáng cho doanh nghiệp thi công trong vòng 1 năm xong thì chúng tôi sẽ bán với giá đó. Nhưng thực tế, việc bàn giao mặt bằng bị kéo dài trong nhiều năm, đến giờ vẫn chưa xong. Trong khi đó, chúng tôi phải gánh lãi suất vay ngân hàng từ 14,5 - 14,9%/năm cho 80% tổng số vốn đầu tư" - Chủ tịch tập đoàn Hanaka nói. Đồng thời, theo ông Mẫn Ngọc Anh, trên thực tế có khoảng hơn 100 hộ dân làng nghề được thuê với giá 4 triệu đồng/m2. Ông Mẫn Ngọc Anh cho hay, trong khi các cụm công nghiệp khác mật độ nhà xưởng cho thuê là là 70% thì tại cụm công nghiệp Mẫn Xá, mật độ chỉ là 42%. Dự án rộng 28ha thì hơn 10ha là đường giao thông rộng, thoáng. Vỉa hè lát đá hoa cương, cây xanh cổ thụ. Bên cạnh đó, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá có tình trạng người dân mua đi bán lại, khiến giá thuê cao hơn. “Nếu dự án được mở rộng diện tích từ 29ha như hiện tại lên 40ha như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, được bàn giao mặt bằng trong 1 năm, chúng tôi vẫn cho người dân thuê giá 4 triệu đồng trên phần đất mới đó” - ông Mẫn Ngọc Anh nói.

Cum-Cong-Nghiep-Man-Xa

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, hiện tại, tại làng tái chế nhôm Mẫn Xá vẫn đang xảy ra tình trạng người dân đổ trộm sỉ thải ra môi trường gây ô nhiễm. Nếu phải vào cụm công nghiệp làng nghề, người dân sẽ phải trả phí xử lý ô nhiễm môi trường cho Nhà nước. Đó có thể là một trong những lý do người dân ngại "lên" cụm công nghiệp. “Tôi mong người dân và chính quyền địa phương đồng hành, ủng hộ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng để Cụm công nghiệp làng nghề sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường" - Chủ tịch tập đoàn Hanaka nói. Xem ngay dự án hot nhất Bắc Ninh Hanaka Paris Ocean Park

Theo Laodong.vn