Biểu giá các loại đất ở nhiều tỉnh dự kiến tăng khá cao từ năm 2020 khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ làm tăng giá bán nhà ở.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá vừa chỉ đạo Bộ TNMT khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất, đảm bảo phù hợp với thực tế để UBND cấp tỉnh kịp thời xây dựng và công bố bảng giá đất vào ngày 1-1-2020 theo quy định của Luật Đất đai. Dự kiến, bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 - 2024 tại Hà Nội sẽ tăng bình quân 15 - 30%; tại Bình Dương tăng 45 - 95%; giá đất tại một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên tới 5 lần so với bảng giá cũ… với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10 - 14% giá thành. Riêng tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội mới đây đã có đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2024. Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1.1.2015 đến 31.12.2019 là 162 triệu đồng/m2). Theo các chuyên gia, cùng với những vướng mắc về pháp lý, giá đất trong bảng giá đất tăng cao sẽ làm tăng giá bán nhà ở. Từ đó làm giảm quy mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà. Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm lượng giao dịch trên thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, hiện nay tại các địa phương, quy hoạch đất dành cho phát triển nông nghiệp, đất đô thị, đất công nghiệp… khá rõ ràng. Theo đó, giá đất trong bảng giá đất (gọi chung là giá sàn) tăng cũng là bước minh bạch hoá về giá đất, sẽ khuyến khích người dân ở các thành phố lớn đồng thuận chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đất đô thị... Tuy nhiên, giá sàn tăng nhiều so với giá cũ cũng làm cho việc triển khai các dự án bất động sản khó khăn hơn, đồng thời chi phí xây dựng hạ tầng cũng tăng vì mức đền bù, giải phóng mặt bằng cao, chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh đều tăng lên. "Trong khi tín dụng cho bất động sản ngày càng bị thắt chặt thì tăng giá đất sẽ khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào hoạt động sản xuất do khó có hiệu quả. Việc chuyển đổi mô hình sử dụng đất, đô thị hóa tại các thành phố lớn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện giá nhà đã quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân" - ông Thanh cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, bảng giá đất tăng kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, nếu nghĩa vụ tài chính tăng cao có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp "sổ đỏ", giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng "thị trường ngầm". Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội. Với thị trường bất động sản, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn. "Ngoài ra, mức giá đất quá cao sẽ đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI", ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.