Dự báo về thời điểm thị trường bất động sản khởi sắc

28/02/2023

Các chuyên gia nhận định, những động thái quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành có thể giúp cho thị trường bất động sản dần khởi sắc hơn.

Theo ý kiến của chuyên gia, vai trò của thị trường bất động sản hiện nay đang được nhìn nhận lại khi nó có nhiều tác động tới nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, kịp thời để tìm và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tồn tại của thị trường. Điều này cũng thúc đẩy chính quyền địa phương phải hành động.

Tại toạ đàm “Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức cuối tuần qua, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định chính sự quyết liệt đó sẽ dần hé ra những điểm sáng, những điểm tích cực cho thị trường và tạo ra động lực thật sự.

Theo ông, sự quyết liệt này không chỉ là sự quyết liệt cho ngành bất động sản, nó là sự quyết liệt trước rủi ro của cả nền kinh tế. Chính phủ có động cơ rất mạnh và cơ bản, do đó, sự quyết liệt là thật và sẽ còn thực hiện tiếp.

Song, những khó khăn về chính sách theo ông là cực kỳ khó tháo gỡ. Vì thế, ông nhận định bất động sản sẽ khởi sắc nhưng chậm, có thể đến quý III/2023 thị trường mới bắt đầu tươi sáng lên.

“Các điểm sáng đó có thể tắt bất cứ lúc nào nếu như chúng ta không phản ứng một cách kịp thời, rõ ràng, đặc biệt là từ phía các bộ ngành", ông nói thêm.

 Các chuyên gia đưa ra dự báo về thị trường bất động sản tại Toạ đàm. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, đưa ra một góc nhìn lạc quan hơn khi dự báo khoảng cuối quý II thì thị trường sẽ có sự ổn định và hoạt động tốt hơn.

Ông cho biết, các vấn đề về sửa đổi quy định, pháp lý liên quan đang được đẩy lên bàn làm việc của Chính phủ và tuần vừa rồi cũng đã có nhiều dự thảo đưa ra để lấy ý kiến. Ngay trong quý I/2023, nhiều văn bản sẽ được ban hành và có tác động dần, mang đến nhiều thay đổi ở quý II.

Đặc biệt, một số dự án, nhóm dự án thiết yếu như nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ có những tác động trước. Còn các phân khúc khác sẽ phải chờ lâu hơn.

Nhưng theo chuyên gia, các doanh nghiệp cũng không ngồi chờ các nghị định mà đã tự chủ động thực hiện, lên ý tưởng cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp, sản phẩm. Theo đó, chú trọng phân khúc dễ hấp thụ, sớm tạo ra dòng tiền hơn. 

"Trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đang đề xuất một siêu Nghị định để tháo gỡ vướng mắc của nhiều Nghị định khác. Trong quý I, hy vọng nhiều việc sẽ được giải quyết và khi điểm nghẽn được gỡ ra thì thị trường sẽ ổn định lại," ông Đính cho bết thêm.

Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng thị trường bất động sản ấm lên thì phải đến sau tháng 7 âm lịch, tức khoảng cuối quý III/2023.

Theo chuyên gia, thời điểm đó có thể kỳ vọng những vụ việc vi phạm thời gian qua cơ bản được xử lý. Những vẫn đề dài hơi liên quan đến sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai cũng trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời, các gói hỗ trợ mới thực dự được bắt đầu triển khai.

Chuyên gia cũng phân tích thêm về hai gói hỗ trợ được nhắc đến nhiều thời gian qua. Trong đó, gói đề xuất 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng về cơ bản giống như gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để triển khai phải có đề án cơ bản để phát triển nhà ở xã hội về lâu dài, khi hết 110.000 tỷ đồng thì sẽ như thế vào và rút kinh nghiệm từ 6 bất cập của gói 30.000 tỷ đồng trước đó. Việc xây dựng gói này sẽ cố gắng xong trong quý II để sớm xin ý kiến Quốc hội.

Về gói 120.000 tỷ đồng, đây là gói tín dụng thương mại thông thường cho những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với lãi suất thấp hơn hơn. Chuyên gia nhận định đây là một cú hích khá tích cực cho thị trường.

"Nếu như 4 ngân hàng lớn triển khai tốt thì các ngân hàng thương mại khác cũng có thể sẵn sàng tham gia. Vì thế Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng nói gói hỗ trợ này còn có thể lớn hơn 120.000 tỷ đồng", chuyên gia nói.