DiaocKienHung - Dân số ngày một gia tăng, nhưng đất đai thì không nở ra. Chính vì thế, bất động sản ở đâu cũng sẽ đắt giá, chỉ khác thời điểm bùng nổ. Vậy tại miền Bắc, đất nền ở đâu sẽ bắt nhịp bùng nổ trong tương lai gần? Hãy cùng kết nối các dữ liệu chủ trương, quy hoạch để trả lời câu hỏi đó.
Chủ trương quy hoạch phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng
Quy hoạch phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng đã được nhắc tới từ nhiều năm nhưng do một số vướng mắc về quy hoạch, vẫn chưa thể triển khai. Tuy nhiên, với những động thái mới nhất, có thể thấy thành phố tương lai dọc hai bên bờ sông Hồng là hoàn toàn khả thi và đang trong quá trình hình thành. Theo quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Cùng trong quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố). Trong đó, phía Bắc tới khu vực Mê Linh, Đông Anh và phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên nằm trong khu vực đô thị trung tâm. Hàng loạt các trung tâm dịch vụ thương mại, khu đô thị lớn sẽ được xây dựng tại khu vực này như: trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia quy mô 90 ha sẽ được xây dựng tại Đông Anh (trung tâm cũ tại Giảng Võ, Ba Đình); Công viên Kim Quy; nâng tầm khu di tích Cổ Loa; KĐT thông minh của BRG; Vinhomes Cổ Loa; v.v.
Các cây cầu mới: Yếu tố tiên quyết cho sự phát triển vượt bậc
Các dự án cầu nối hai bờ sông là dấu hiệu cho sự phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng. Theo quyết định số 519/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng. Thành phố sẽ xây mới hàng loạt các cầu như: Cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, v.v. Trong đó, cầu Vĩnh Tuy 2 đã được khởi công vào ngày 09/01/2021. Chủ tịch UBND thành phố cho biết, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc.