Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành dài hơn 1,5 km, bắc qua sông Đuống, kết nối nhiều di tích ở Bắc Ninh, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến Bắc Ninh.
Công trường cầu Phật Tích nhìn từ xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, bắc qua sông Đuống tới xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Sau hơn hai năm thi công, toàn dự án đạt khoảng trên 60% tiến độ.
Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được khởi công từ tháng 1/2018 với tổng chiều dài hơn 1,5 km, trong đó phần cầu chính dài 1,2 km; tổng mức đầu tư 1.927 tỷ đồng từ vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn khác.
Tính đến ngày 12/4, phần lớn các trụ bê tông chính của cầu đã hoàn thiện, hàng trăm công nhân bắt đầu thi công lắp đà giáo di động để đổ 5 nhịp dầm ở phần cầu chính.
Theo ông Trần Mạnh Thường, tư vấn và giám sát trưởng Dự án, hiện mỗi ngày có khoảng 300 công nhân được huy động để hoàn thiện dự án và thông xe vào trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Các trụ bê tông phần cầu chính đang được thi công bắc qua sông đều được khoét lỗ vòm có hình tượng chân rồng 3 móng. Phần dầm bê tông dự kiến hoàn thiện trước 31/8 và đến ngày 1/9 bắt đầu lắp 5 vòm thép trên mặt cầu (điểm nhấn của dự án), dự kiến hoàn thiện trong vòng hai tháng. Hiện nay, 5 vòm thép của cầu đang được gia công ở nhà máy gần dự án, đạt khoảng 20% tiến độ.
Công nhân thuộc Công ty cầu 75 hàn vách ống khoan cọc nhồi. Các mũi khoan cọc nhồi phần lớn ở dưới sông, phụ trợ cho việc thi công cầu chính.
Ngoài phần cầu chính đang thi công dầm, hệ thống cầu phụ ở trên mặt đất đang được lắp bản mặt cầu với trụ bê tông và 20 thanh dầm, hiện đã đạt khoảng 90% tiến độ; dự kiến tháng 12 có thể thông xe kỹ thuật.
Phần cầu dẫn được thiết kế rộng 22,5 m, mỗi bên hai làn xe hỗn hợp, mỗi bên một làn rộng 2 m, cao 1,75 m so với mặt cầu để cho người đi bộ ngắm cảnh, tham
Khoảng vài chục mét cầu dẫn được đổ bê tông trên dải phân cách giữa, phần lớn vài trăm mét còn lại đang được lắp cốt thép.
Phần gầm cầu cạn được thiết kế mái vòm, với hệ thống dầm bê tông được lắp đặt hoàn thiện.
Hai bên cầu phía địa phận huyện Tiên Du được thiết kế lối lên cho người đi bộ có kiến trúc phần mái giống chùa Một cột. Vị trí của lối lên này cách lăng Kinh Dương Vương khoảng 500 m về phía thượng lưu, cách chùa Phật Tích với tòa tháp và tượng Phật bà trên đỉnh núi khoảng 2 km.
Vị trí điểm đầu của dự án, đoạn đường dẫn cầu cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành kết nối với nút giao Phật Tích, cách phần cầu chính khoảng 2,8 km.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, việc xây dựng cầu Phật Tích có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực bắc Đuống và nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh; giúp kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua quốc lộ 1, quốc lộ 38, quốc lộ 5, quốc lộ 17 và các tuyến tỉnh lộ 276, 287… Đặc biệt cầu Phật Tích giúp rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến Bắc Ninh.
Mô phỏng thiết kế cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành. Cầu có hình dáng kiến trúc với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm.