Bắc Ninh: 5 điểm nhấn quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

22/11/2021

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với tinh thần phấn khởi và quyết tâm lớn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh bước vào thực hiện mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Ninh  đang trên đà phục hồi nhưng phải đối mặt với đợt dịch lần thứ 4, bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng và nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh đã có quyết tâm cao trong phòng, chống dịch, nhờ vậy đến ngày 20/6 đã cơ bản khống chế 2 pha dịch nguy hiểm, bắt tay vào khôi phục kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, và đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện được mục tiêu kép. Trong Thư gửi cộng đồng doanh nghiệp và người kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã động viên sự đóng góp quan trọng, nỗ lực, vượt khó và sự ủng hộ rất lớn của doanh nghiệp, người kinh doanh để chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho chính doanh nghiệp, cho Nhân dân và toàn xã hội. Đồng thời cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đạt nhiều khích lệ và tạo động lực phát triển cho năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 lần thứ 4; nhưng kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 (giá SS năm 2010) ước tăng 6,08% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; dư nợ tín dụng tăng 16,9%; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất tăng 5,4%; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động và Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh triển khai khẩn trương tích cực; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong đó có 5 điểm nhấn quan trọng về chất lượng điều hành như sau: Một là, chuyển động “nhanh”, thích ứng linh hoạt trong thực hiện mục tiêu kép. Ngay trong tháng 7, tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số, nâng cao chất lượng điều hành; tổ chức đối thoại, hình thành Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp 3 nhất, điều chỉnh các chính sách phòng, chống dịch nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới” đi đôi với cảnh giác, không lơ là phòng, chống dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 so với tháng 6 tăng trên 31%, trong đó công nghiệp chế tạo tăng 31,75%.  Tập đoàn đa quốc gia nâng công suất, sản xuất tăng cao: Tập đoàn Sam sung, doanh thu tháng 7 đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng gấp 2,14 lần; Tập đoàn Ca-nông, sản phẩm tháng 7 tăng gấp 15 lần; tính chung tháng 7, sản xuất sản phẩm điện tử tăng trên 34%, điện thoại thông minh tăng 97% so với tháng 6/ 2021. 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khá 11,74% (riêng tháng 9 tăng 18,5% so với tháng trước). 10 tháng năm 2021, chỉ số công nghiệp tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước; các sản phẩm có giá trị tăng cao nhất là sản xuất trang phục, dược phẩm; linh kiện điện tử. Kết quả đó đóng góp tích cực để tăng trưởng cả năm 2021 vượt kế hoạch đề ra (4-5%). Hai là, chỉ đạo điều hành “kiên quyết” đã góp phần làm nên thành tựu của năm 2021 thông qua tập trung nguồn lực cho đầu tư công trung hạn gắn với công trình hạ tầng lớn hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Ước hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%, bố trí đủ vốn thanh toán cho công trình có khối lượng hoàn thành trong năm. Tỉnh đã kiên quyết trong giải phóng mặt bằng và xử lý sai phạm quy định của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Những kết quả tích cực trong lĩnh vực này đã được đồng lòng ủng hộ của hệ thống chính trị, Nhân dân và cơ quan truyền thông; đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 244 cơ sở với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) Sự kiên quyết được thể hiện ở quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh chung tay vào cuộc ở các Sở, ngành triển khai Đề án “5 tại chỗ” và giải quyết nhanh vướng mắc của doanh nghiệp. Thanh tra tỉnh đã kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra của tất cả các Sở, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp. Công an tỉnh tập trung trấn áp tội phạm trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tăng cường các định chế pháp lý phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ba là, “hiệu quả” chất lượng điều hành đã nâng lên hướng tới các chỉ số tăng trưởng, dư nợ tín dụng, xuất khẩu cao so với năm trước. Ước thu ngân sách nhà nước 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán năm; trong đó: thu nội địa ước 23.710 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 7.400 tỷ đồng, vượt 34,1% dự toán,… Bốn là, kinh tế xã hội năm 2021 đạt kết quả “toàn diện”, thực hiện thành công nhiều sự kiện chính trị lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp song tỉnh Bắc Ninh vẫn quyết tâm và tổ chức thành công cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,07%. Long trọng tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo nhằm cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động và công tác. Sự toàn diện về chất lượng điều hành được thể hiện trên các Chỉ số xếp hạng được các cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu độc lập công bố như: PAPI xếp thứ 4, thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 5; chuyển đổi số xếp thứ 3,… Sự toàn diện giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động và công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho 28.000 người lao động, tăng 1,8% so với năm 2020. Tuyển sinh học nghề 56.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%; hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ  và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết ngày 25/10/2021 tổng kinh phí hỗ trợ gần 149 tỷ đồng. Năm là, chất lượng quản trị điều hành chú trọng đến các yếu tố “nền tảng” mới cho phát triển thông qua công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Quy hoạch tỉnh được triển khai tích cực với ý tưởng mới về hệ sinh thái địa phương hoàn chỉnh; phát huy lợi thế cạnh tranh, hình thành cụm ngành mới điện tử - công nghiệp bán dẫn. Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển thành phố Bắc Ninh đến năm 2030; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Yên Phong, Tiên Du, Phố Mới và phụ cận. Tích cực triển khai đồ án quy hoạch phân khu; các quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu nhà ở quy mô lớn; thành lập thành phố Từ Sơn; trình hồ sơ thành lập thị xã Quế Võ; xây dựng Đề án thành lập thị xã Thuận Thành, triển khai xây dưng các công trình hạ tầng giao thông lớn kết nối không gian kinh tế  và đô thị, nhất là đường Vành đai 4. Hình thành các chính sách mới về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; đổi mới sáng tạo; thương hiệu sản phẩm OCOP; thương mại tiện ích; thương mại điện tử. Tỉnh đã khẩn trương quy hoạch và thành lập các khu công nghiệp mới, các khu đô thị lớn, hiện đại. Với 5 điểm nhấn về chất lượng điều hành: “Nhanh, Kiên quyết, Hiệu quả, Toàn diện, Nền tảng”, kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả to lớn trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến, ghi một dấu mốc về đổi mới trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy; HĐND tỉnh; điều hành của UBND tỉnh, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh