Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong năm 2021 bất chấp dịch COVID -19
05/03/2021
DiaocKienHung - Dù dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Savills Việt Nam, 2021 vẫn là năm hứa hẹn phục hồi tăng trưởng, mang tới nhiều cơ hội, tiềm năng cho các nhà đầu tư và bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn.
2020 được đánh giá là một năm chứng kiến sự tăng trưởng đầy bản lĩnh của nền kinh tế Việt Nam, với rất nhiều những khó khăn và thách thức. Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội", kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì đây là điều đáng ghi nhận với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố bởi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay; đồng thời quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD). Có được kết quả khả quan này, vai trò lớn nhất thuộc về sự nỗ lực từ toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng năm 2021, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong năm 2021 bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lườngTS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhận định: "2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách chung, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà còn của cả thế giới. Có thể kể ở đây các yếu tố chính là sự diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các nước lớn trên thế giới; rủi ro địa chính giữa các khu vực; việc bất ổn tài chính toàn cầu. Là một đất nước đang ngày một hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động chung này. Đặc biệt, 2021 còn là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Điều này đặt ra những thử thách lớn cho Chính phủ nước ta." Trong bối cảnh đại dịch bệnh chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác như thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch hàng không, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, theo TS. Khương, thị trường được dự đoán là sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 và 2011. Theo ông Khương, những năm 2010, 2011, thị trường đã chứng kiến việc rớt giá đến 30% trong cả nước, có thể kể đến một số lý do như: thị trường đã tăng trưởng quá nóng trước đó, kế đến là tăng trưởng trong tín dụng quá cao từ 30 - 45%, cộng với việc tăng trưởng trong lãi suất qua đêm từ 10 - 12% lên tới hơn 20%. Hiện tại vẫn còn tồn đọng những khó khăn nhưng thị trường bất động sản khác trước rất nhiều. Với giả định rằng những mục tiêu về kinh tế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được ít nhất như năm 2020, lãi suất tiền gửi và lãi suất huy động như năm 2020, biên độ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 30%, tỷ giá hối đoái và tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát tốt. "Do vậy, bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020, ngoài ra giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác", ông Khương chia sẻ.