‘Chính sách hướng Nam mới’ của Hàn Quốc: Việt Nam là trọng tâm

03/02/2020

Môi trường kinh doanh thuận lợi, không ngừng được cải thiện, chi phí rẻ… là những lý do khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam. Một đặc điểm nổi bật trong đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc là hầu hết dòng vốn của Hàn Quốc đến từ các tập đoàn lớn. Hanwha Aerospace, công ty hiện có dự án sản xuất động cơ máy bay quy mô 400 triệu USD tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng giai đoạn III tại đây.

Hàn Quốc đẩy mạnh ‘Chính sách hướng Nam mới’

Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hồi tháng 5 cho biết cơ quan này dự kiến sẽ tăng quỹ ODA cho Lào, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines lên 180 tỷ Won (khoảng 150 triệu USD) vào năm 2023, từ mức 87 tỷ Won (khoảng 74 triệu USD) trong năm nay.

Kế hoạch này được triển khai nhằm hưởng ứng chính sách ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc đối với khu vực ASEAN, trong đó bao gồm hỗ trợ giáo dục, phát triển nông thôn và đô thị, công nghệ thông tin và viễn thông, lĩnh vực giao thông vận tải.

Kế hoạch trên của KOICA được thực hiện trong bối cảnh Seoul đang đẩy mạnh mối quan hệ với ASEAN theo "Chính sách hướng Nam mới", nhằm cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, Ấn Độ và Pakistan và giảm bớt sự lệ thuộc vào các đối tác truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thực hiện chuyến công du kéo dài một tuần tới 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Myanmar và Lào hồi tháng 9/2019.

Hàn Quốc từ lâu đã nỗ lực nhằm đa dạng hóa các đối tác ngoại giao và kinh tế, song việc này thực sự được đẩy mạnh kể từ khi Tổng thống theo trường phái tự do Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5/2017.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã giữ lời hứa tới thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN trong nhiệm kỳ của mình, trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên làm điều này.

Sau khi Hàn Quốc ban hành “Chính sách hướng Nam mới”, vốn đầu tư ra nước ngoài từ quốc gia này đã tăng mạnh. Năm 2018, với 38,9 tỷ USD, Hàn Quốc đã lần đầu tiên nằm trong danh sách 10 nước có mức đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Châu Á tiếp tục thu hút được nhiều nhất vốn đầu tư ra nước ngoài từ Hàn Quốc, chiếm 34,1% tổng vốn, đạt gần 17 tỷ USD.

Việt Nam là trọng tâm

Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng Nam mới Kim Hyun Chul hồi đầu tháng 12/2018 nhấn mạnh Việt Nam là trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Kim Hyun Chul khẳng định Hàn Quốc không theo đuổi xuất siêu trong quan hệ thương mại với Việt Nam mà sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, và quan trọng hơn, sẽ tạo điều kiện, tích cực chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư và chuyên gia; sẵn sàng và khuyến khích doanh nghiệp Hàn quốc tham gia hợp tác cơ sở hạ tầng.

Hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc. Ở châu Á, Việt Nam đứng thứ hai (sau Trung Quốc) về thu hút vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ ba về hợp tác thương mại, du lịch với Việt Nam.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại thứ tư của Hàn Quốc với kim ngạch 2019 ước đạt 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc). Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch… cũng phát triển hết sức mạnh mẽ.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 8/2019, Hàn Quốc đã có hơn 8.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 65 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc hồi tháng 11/2019.

Về thương mại, năm 2018, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Phía Việt Nam xuất khẩu 18,2 tỷ USD, nhập khẩu 47,5 tỷ USD.

Doanh nghiệp Hàn Quốc có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2018. Trong đó, riêng các công ty thành viên của Tập đoàn Samsung đã đóng góp khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Môi trường kinh doanh thuận lợi, không ngừng được cải thiện, chi phí rẻ… là những lý do khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam. Ban đầu chỉ là đầu tư để sản xuất phục vụ xuất khẩu, sau được chuyển hướng sang các lĩnh vực khác, như dịch vụ, bán lẻ, giải trí, bất động sản, tài chính - ngân hàng…

Một đặc điểm nổi bật trong đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc là hầu hết dòng vốn của Hàn Quốc đến từ các tập đoàn lớn như LG, Samsung, Hyundai, KIA…

Chỉ tính từ đầu năm 2019 tới nay, đã có rất nhiều kế hoạch đầu tư lớn được thực hiện. Chẳng hạn, Tập đoàn SK chi 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, hay KEB Hana Bank bỏ ra hơn 800 triệu USD để góp vốn vào BIDV.

Chưa dừng lại ở đó, LG Chemical muốn xây dựng một dự án sản xuất pin li-ion ở Việt Nam. Hiệp hội Máy nông nghiệp Hàn Quốc (KAMICO) cũng đang muốn xây dựng một dự án sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam.

Hanwha Aerospace, công ty hiện có dự án sản xuất động cơ máy bay quy mô 400 triệu USD tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng giai đoạn III tại đây. Còn Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH) thì cũng đã bắt tay với Tập đoàn Ecopark để trước mắt triển khai hai dự án bất động sản ở Việt Nam…

Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và người đồng cấp Hàn Quốc Sung Yun-mo hồi tháng 11/2019, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2022.